Việt Nam thiếu 400.000 lao động CNTT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, DN và các trường đại học đào tạo CNTT cần phối hợp chặt chẽ với nhau vì “tài sản lớn nhất của DN chính là nhân lực.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tỉ lệ các trường ĐH, CĐ đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động CNTT. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực CNTT. Dự báo của Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động công nghệ thông tin và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.
Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực ICT lớn như vậy nhưng theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh – HCA, hiện nay, các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động công nghệ thông tin là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng.
Theo ông Phí Anh Tuấn, sinh viên CNTT của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh : AI, IoT, Blockchain…; tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ ; Các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu; Kỹ năng cho Start-up còn mới với sinh viên.
Bởi vậy, sinh viên CNTT cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực công nghệ thông tin và cũng cần có sự phối hợp đa dạng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.